Hội thảo đã kết nối với nhiều nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong nước, như: ĐH Đà Nẵng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Đồng Nai, ĐH Trà Vinh. ĐH Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp, ĐH Khánh Hòa, ĐH Huế, ĐH Tân Trào, ĐH Sư phạm Thái Nguyên,… Tại điểm cầu điều hành trường ĐH Thủ Dầu Một có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo phòng Khoa học, Viện Đào tạo sau đại học.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ở đại học – Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ không chỉ đã giúp loài người giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa của thời đại, mà còn góp phần làm cho cuộc sống của con người ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Chính vì thế, rất nhiều cường quốc công nghiệp phát triển trên thế giới một mặt vừa huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho khoa học công nghệ quốc gia, mặt khác vừa tìm mọi cách để thu hút các nhà khoa học hàng đầu từ nơi khác đến lao động và cống hiến cho đất nước mình với những chế độ ưu đãi rất xứng đáng.
Ở Việt Nam, khoa học và công nghệ không chỉ là quốc sách hàng đầu, mà còn được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian gần đây. Các đơn vị được hưởng thụ nhiều nhất và cũng được mong đợi cống hiến nhiều nhất cho nền khoa học công nghệ quốc gia chính là các trường đại học và viện nghiên cứu theo mô hình hiện đại. Bản thân không ít trường đại học của Việt Nam cũng đã xác định được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học trong quá trình phát triển và chiến lược hội nhập quốc tế của mình. Các thành quả nghiên cứu khoa học ở đại học đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như cải thiện vị thế của mình trên bản đồ giáo dục đại học thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn công tác nghiên cứu khoa học của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, trường ĐH Thủ Dầu Một kỳ vọng xây dựng diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tham gia và tìm ra các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. “Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học đóng góp, làm rõ hơn thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào? Cần những giải pháp gì để làm cho việc nghiên cứu khoa học không chỉ trở thành một nhu cầu tất yếu của mỗi giảng viên, mà còn là động lực phát triển cho cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới”. – TS. Ngô Hồng Điệp nhấn mạnh.
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Làm thế nào để các trường đại học trở thành chủ thể trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ? Phương cách quản lý hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tự chủ tại các cơ sở giáo dục? Giải pháp nào để thúc đẩy các công trình nghiên cứu khoa học mang tầm vóc quốc tế? Đây là những câu hỏi được nhiều đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo đặc biệt quan tâm, khi thực tế hiện nay, các tài sản trí tuệ, công trình nghiên cứu ở các trường đại học còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các đơn vị.
Để góp phần thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ bậc đại học, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Hội thảo đã quy tụ 40 bài viết của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục. Các báo cáo khoa học, các ý kiến trao đổi của các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung chính như: thực trạng cơ chế, chính sách về nghiên cứu khoa học và công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học; công tác quản lý, điều hành nghiên cứu khoa học và công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học; công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của giảng viên, học viên và sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học; công tác công bố quốc tế; hoạt động chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp; thực hiện bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học,…
Qua công tác đánh giá thực tiễn về hoạt động khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay, các báo cáo khoa học cũng tập trung đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ ở bậc đại học nói chung, trường ĐH Thủ Dầu Một nói riêng. Để tháo gỡ khó khăn giúp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ bậc đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều đại biểu thống nhất rằng, các trường đại học cần tạo dựng môi trường làm việc tốt để thu hút cán bộ giỏi, chuyên gia trong nước và quốc tế đến hợp tác, làm việc với trường. Mặt khác, nhà nước và ngành giáo dục cần tăng cường các cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt cho các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng với cộng tác viên khoa học từ các trường trong nước và ngoài nước, kết hợp với các chuyên gia ở những viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường hợp tác với nước ngoài để thu hút vốn đầu tư vào nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, “đi tắt đón đầu” trong việc tiếp nhận những thành tựu của cuộc CMCN 4.0; tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí và hạ tầng cho các trường đại học để hình thành và phát triển vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo của các trường đại học với các doanh nghiệp, khu công nghiệp,…
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến các nhà khoa học, đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ bậc đại học, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Các bài tham luận sẽ được Ban tổ chức biên soạn và xuất bản thành sách làm tài liệu tham khảo cho các cơ sở đào tạo trong tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ.
Ban điều hành hội thảo từ điểm cầu ĐH Thủ Dầu Một
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Nguyễn Hồng Thu - Trưởng phòng Khoa học phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo
Hội thảo đã kết nối với nhiều nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong nước
BBT