Tin tức

Nghiệm thu dự án “Tối ưu hóa quá trình chế tạo dựa trên dữ liệu từ mô phỏng vật lý”

11/7/2023 4:16:33 PM 1447
Dự án KHCN do Quỹ VINIF (Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup) tài trợ: “Tối ưu hóa quá trình chế tạo dựa trên dữ liệu từ mô phỏng vật lý” (dự án EDPOMP) đã được Hội đồng khoa học của Quỹ nghiệm thu. Dự án do TS. Trần Văn Xuân chủ nhiệm, Trường Đại học Thủ Dầu Một chủ trì.

Trong các quá trình chế tạo công nghiệp, việc điều chỉnh các tham số là một thách thức lớn để có chất lượng sản phẩm theo yêu cầu. Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu và phát triển các phương pháp tối ưu cho phép điều chỉnh hiệu quả, nhanh chóng các tham số trong quá trình chế tạo để có chất lượng sản phẩm theo yêu cầu, dự án EDPOMP đã mô phỏng các phương pháp trên mô hình số có độ chính xác cao dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Để có thể làm được việc đó, các thành viên dự án cần phải nghiên cứu chuyên sâu về các quá trình vật lý cơ bản trong nhiều công nghệ chế tạo tiên tiến, rồi phát triển những kiến thức này thành các công cụ mô phỏng số sử dụng phương pháp học máy nhằm tối ưu hóa các thông số đầu vào.

Dự án tập trung vào các công nghệ chế tạo tiên tiến và phổ biến trong ngành công nghiệp nặng: Chế tạo bồi đắp (in 3D) kim loại và dập tấm kim loại. Các kết quả đạt được của dự án giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt cho các ngành sản xuất thiết bị y tế, kỹ thuật ô tô, hàng không vũ trụ và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số hướng đến nền công nghiệp 4.0.

TS. Trần Văn Xuân, chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Trong thời gian triển khai Dự án EDPOMP, chúng tôi đã trải qua nhiều thách thức và hứng khởi không ngờ. Đầu tiên, quá trình xét duyệt dự án của Quỹ VINIF là một sự bất ngờ tích cực với yêu cầu chất lượng rất cao cùng quy trình nghiêm ngặt, minh bạch, cùng sự tham gia của các chuyên gia uy tín quốc tế; một gói hỗ trợ tài chính ấn tượng đi kèm với những yêu cầu cam kết rõ ràng về đầu ra. Thứ hai, trong suốt quá trình triển khai, các nhân viên của Quỹ luôn hỗ trợ chuyên nghiệp, linh hoạt và kiên nhẫn; chính những hỗ trợ này giúp cho các nhà khoa học chỉ cần tập trung vào công việc chuyên môn. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự tin tưởng, cam kết trong quá trình khảo sát, nghiệm thu và báo cáo. Khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế thì cách tiếp cận của Quỹ VINIF với chất lượng, sự minh bạch và hiệu quả đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự tài trợ cũng như sự hỗ trợ từ các thành viên Quỹ.”

Một số kết quả và sản phẩm nổi bật của dự án:
- Nhiều công bố quốc tế uy tín: 9 bài báo ISI xếp hạng Q1, 1 bài báo ISI xếp hạng Q4 và 5 bài báo trên các Hội thảo khoa học quốc tế;
- Sở hữu trí tuệ: 2 bằng độc quyền sáng chế được chấp nhận đơn;
- Sản phẩm dạng công cụ/thiết bị/máy móc: Chế tạo thành công mẫu máy in 3D dạng để bàn;
- Sản phẩm dạng số hóa: 3 phòng thí nghiệm ảo;
- Chuyển giao công nghệ: đã chuyển giao cho 2 công ty, làm cơ sở để phát triển các bản sao số (digital twins) về quá trình gia công chế tạo;
- Đào tạo: hỗ trợ đào tạo 01 nghiên cứu sinh tại ĐH Liege, Bỉ và 2 học viên cao học tại ĐH Thủ Dầu Một.


Sau 3 năm thực hiện,dự án đã đạt được nhiều kết quả, sản phẩm nổi bật và được Hội đồng khoa học của Quỹ VINIF nghiệm thu

 


Trước đó, vào tháng 10/2020, trường ĐH Thủ Dầu Một và Quỹ VINIF đã thực hiện nghi thức ký kết thảo thuận tài trợ cho dự án

Bài viết được cập nhật từ trang Khoa học, kỹ thuật và công nghệ thuộc Quỹ VINIF

(Nguồn: tdmu.edu.vn)