-
Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh bình thường mới
- 6/7/2022 4:10:58 PM 1589
- Sáng ngày 04/06/2022, hội thảo khoa học: “Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh bình thường mới” đã diễn ra tại trường ĐH Thủ Dầu Một. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, các viện nghiên cứu trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong bối cảnh bình thường mới.
-
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh, khu vực DNNVV đã và đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các DNNVV đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 và các xung đột chính trị tại Châu Âu đã có những ảnh hưởng đáng kể đến thị trường các yếu tố đầu vào, đến chi phí duy trì hoạt động, nhiều DNNVV thiếu vốn hoạt động đã phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí là giải thể, phá sản. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề việc làm và an sinh xã hội và cũng cho thấy, sức chống chịu của các DNNVV rất hạn chế. Do đó, các DNNVV rất cần sự trợ giúp của Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương để nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các chính sách trợ giúp không chỉ là hỗ trợ vay vốn, gia hạn nộp thuế, giảm thuế, giảm lãi suất, mà phải bao gồm đồng bộ các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, có cả các chính sách thu hút đầu tư mới, phát triển thị trường vốn, đổi mới các chính sách về thuế, phí, lệ phí,.… để góp phần hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển bền vững.
Từ ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, BTC đã nhận được sự quan tâm và đóng góp tham luận của nhà khoa học, các học giả, giảng viên đến từ 25 cơ sở giáo dục và các tổ chức ban ngành trong cả nước.
Bài toán về vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch
Tại phiên làm việc thứ nhất, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tiến – Trường Đại học Quy Nhơn đã trình bày mở đầu với nghiên cứu “Trao đổi về vốn, vai trò của vốn và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Bài tham luận của TS. Nguyễn Hồng Thu – Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiếp nối với nghiên cứu “Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hậu Covid 19”. Nghiên cứu đã đi đến kết luận: có 09 nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV, bao gồm: khả năng thích ứng rủi ro của doanh nghiệp, đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, quan hệ xã hội của doanh nghiệp, năng lực hoạt động của doanh nghiệp, đặc điểm của chủ doanh nghiệp, hành vi tài chính của doanh nghiệp, báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh và môi trường thể chế. Nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn các nhân tố ảnh hưởng mạnh đến khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV là xuất phát từ các nhân tố thuộc về bên trong (nội tại) của các DNNVV.
TS. Đặng Văn Cường – Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày nghiên cứu về “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hậu Covid 19”. Nghiên cứu đã trình bày các nội dung liên quan đến: (i) Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đến hoạt động của các DNNVV, (ii) Khung phân tích tổng quan về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ của các DNNVV và (iii) Thực trạng tiếp cận vốn hỗ trợ của các DNNVV do ảnh hưởng của dịch Covid 19 tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ cho các DNNVV hậu Covid 19, gồm: (i) Cải thiện môi trường kinh doanh, (ii) Cải cách quy trình, thủ tục hỗ trợ vốn; (iii) Hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí,…
Tham gia trao đổi, thảo luận tại hội thảo, ông Lê Anh Đại - Công ty TNHH SX-TM và DV Tân Thành Long cho rằng khó khăn trong việc tiếp cận vốn của công ty hiện nay là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay, vấn đề minh bạch tài chính, môi trường kinh doanh và phương án kinh doanh, vấn đề về hồ sơ vay vốn. Tiếp nối ý kiến, ông Bùi Đức Biển – Công ty TNHH MTV Bidopha cũng đề xuất rằng, các ngân hàng thương mại cần đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc xử lý hồ sơ vốn và tư vấn chi tiết hơn về các thủ tục tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đối với các DNNVV, vì hiện nay doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, việc cho các ngân hàng vay vốn cần thay đổi các tiêu thức đánh giá về tình hình tài chính đối với các DNNVV, vì các DNNVV không thể có được tiềm lực tài chính mạnh để có tài sản đảm bảo cho tất cả các khoản nợ. Đồng thời, ông Phạm Trần Phú – Công ty Cổ phần Đồng Xoài Land còn cho rằng, việc siết cho vay đối với tài sản bất động sản và việc không có các chỉ tiêu định lượng để định giá đối với bất động sản đã gây khó khăn cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; Hoạt động góp vốn của các DNNVV đang có nhiều khó khăn trong việc huy động vốn góp; Và việc kiểm soát rủi ro và minh bạch tình hình tài chính của các DNNVV cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Về phía các ngân hàng, bà Bùi Thị Tuyết – Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, ngân hàng đã thực hiện rất nhiều các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế do ảnh hưởng của dịch Covid 19, trong đó có các DNNVV. Tuy nhiên, việc tiếp cận và cho vay các gói hỗ trợ gặp nhiều khó khăn từ phía các DNNVV, do các DNNVV cung cấp thông tin không đảm bảo cho việc vay vốn theo quy định của Chính phủ, nhiều DNNVV cung cấp báo cáo tài chính lợi nhuận âm liên tục trong nhiều năm trong khi hoạt động SXKD luôn được mở rộng là điều bất thường nên việc cho vay vốn hỗ trợ là không thể thực hiện được,… Đồng quan điểm này, ông Phan Trung Hiếu – Ngân hàng TMCP Bảo Việt cho rằng, việc cho vay của Ngân hàng dựa vào huy động tiền gửi đầu vào và cho vay đầu ra nên vấn đề lãi suất giảm để cho vay là nhiều khó khăn. Theo ông, bản thân các DNNVV không thể hiện được sự minh bạch tình hình tài chính, tài sản đảm bảo và phương án kinh doanh nên gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc tiếp nhận hồ sơ và cho vay.
Giải pháp nào cho DNVVN…
Tại phiên thứ hai của Hội thảo, ThS. Hoàng Minh Tuấn – Ban Thẩm định và Phê duyệt tín dụng, trụ sở chính Ngân hàng Agribank trình bày nghiên cứu về: “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm thực tiễn từ Ngân hàng Agribank”. Kết quả nghiên cứu đã cho rằng trước thực trạng “đuối sức”, có nguy cơ khó phục hồi của các doanh nghiệp, chung tay cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cộng đồng, Agribank đã tích cực, chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, trở thành điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp, doanh nhân, và trong thời gian tới, Agribank cam kết sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ DNNVV giải quyết các khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Tiếp theo báo cáo tham luận tại phiên thứ 2, TS. Phạm Hoàng Tú Linh – Học viện Quản lý giáo dục đã trình bày nghiên cứu về “Kinh nghiệm tạo lập nguồn vốn của Hàn Quốc và bài học dành cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu đã cho rằng: xuất phát điểm là một quốc gia nghèo, thường xuyên nhận viện trợ của cộng đồng quốc tế. Giờ đây, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á. Qua phân tích kinh nghiệm của Hàn Quốc, thiết nghĩ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lịch sử phát triển cũng như vị trí địa kinh tế gần giống với Hàn Quốc. Chính vì vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thiết học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mềm dẻo, đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, chú trọng vào ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư phát triển khoa học công nghệ mới,…
Tại phần thảo luận của phiên thứ hai của Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề đã trình bày và đưa ra nhiều hàm ý chính sách rất hữu ích trong việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cũng như tạo lập các nguồn vốn cho phát triển đối với các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Công đã thay mặt Đoàn chủ trì tổng kết các kết quả đạt được tại hội thảo và nhấn mạnh: Vốn đóng trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng. Tuy nhiên, việc tăng giảm đối với vốn góp, vốn chủ sở hữu, cũng như tiếp cận các nguồn vốn khác để tài trợ cho tài sản và quá trình hoạt động của các DNNVV trong bối cảnh hình thường mới (hậu Covid 19) đang gặp nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả các nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài của các DNNVV. Do đó, việc đề xuất các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các DNNVV trong bối cảnh bình thường mới của hội thảo là việc làm cấp bách và cần thiết. GS.TS. Nguyễn Văn Công cũng đề xuất các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cần tiếp tục tăng cường kết nối trong nghiên cứu, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn của các DNNVV và nghiên cứu sâu hơn các vấn đề về vốn, tài chính, chuyển đổi số và kinh doanh số trong thời gian tới. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, các ngân hàng đã tham gia viết bài và tham dự Hội thảo.
Sáng ngày 04/06/2022, hội thảo khoa học: “Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh bình thường mới” đã diễn ra tại trường ĐH Thủ Dầu Một
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu đề dẫn Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tiến – Trường Đại học Quy Nhơn trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
TS. Nguyễn Hồng Thu – Trường Đại học Thủ Dầu Một trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
TS. Đặng Văn Cường – Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Hội thảo cũng nhận được ý kiến trao đổi, thảo luận từ nhiều nhà khoa học, đại biểu theo hình thức trực tuyến
Các kết quả nghiên cứu tại hội thảo đã đóng góp nhiều giải pháp quan trọng cho việc nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển các DNVVN trong bối cảng bình thường mớiNguồn : https://tdmu.edu.vn/