Hội thảo quốc tế Nghệ thuật và Nhân văn lần thứ IX

9/19/2022 10:05:44 AM 1510
Trong hai ngày 15 & 16/9/2022, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Viện Quản trị tri thức Quốc tế (Sri Lanka) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Nghệ thuật và Nhân văn, lần thứ 9 năm 2022 (International conference on Arts and Humanities - ICOAH 2022) với chủ đề “Technological Transformation”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hai điểm cầu chính là trường ĐH Thủ Dầu Một (Việt Nam) và Viện Quản trị tri thức Quốc tế (Sri Lanka). Hội thảo chào đón sự tham dự của hơn 100 chuyên gia các nước về lĩnh vực nghệ thuật và nhân vănQua 9 năm tổ chức, diễn đàn thường niên này đã trở thành hoạt động học thuật giàu ý nghĩa và đáng tin cậy để các học giả từ nhiều quốc gia thể hiện sự quan tâm, công bố các kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.

Từ chủ đề năm nay, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng của Cannada, Hồng Kông, Sri Lanka, Malaysia, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam,… đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu tâm huyết của mình về các khía cạnh như: di sản, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, môi trường, tôn giáo, giáo dục, con người,… BTC đã tuyển chọn 110 tham luận được tập hợp thành kỷ yếu phục vụ hội thảo. Đặc biệt, các tham luận đạt tiêu chí sẽ được BTC tổ chức giới thiệu xuất bản trên các tạp chí có chứng nhận chỉ mục Scopus.

Nội dung chính của hội thảo được tiến hành với 22 báo cáo khoa học trình bày tại các phiên làm việc chuyên môn. Các báo cáo tham luận tập trung chia sẻ các nghiên cứu về các nhóm chủ đề, gồm: (1) Nghệ thuật trong xã hội (lịch sử mỹ thuật, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian và truyền thống, vai trò của nghệ thuật và nhân văn trong quá trình đổi mới công nghệ, thực hành nghệ thuật trong dạy và học, nghệ thuật sáng tạo; (2) Khoa học xã hội nhân văn (văn hóa dân tộc, nghiên cứu về giới và phụ nữ, triết học, tôn giáo, khảo cổ học, bảo tàng lịch sử); (3) Nghệ thuật ứng dụng (kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất); (4) Báo chí truyền thông và truyền thông đại chúng (báo chí và tin tức, quan hệ và tiếp thị, truyền thông xã hội); (5) Công nghệ và nghệ thuật mới (điện ảnh, truyền hình, đa phương tiện, các ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa trực tuyến, mạng xã hội và nghệ thuật. Các kết quả nghiên cứu và đề xuất tại hội thảo không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn mà còn là tiền đề gợi mở những ý tưởng nghiên cứu mới, những cách tiếp cận mới về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật mới trong xã hội hiện đại tại các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.

Tham gia và đóng góp tích cực vào công tác phối hợp tổ chức hội thảo, đội ngũ cán bộ giảng viên của trường Đại học Thủ Dầu Một đã có 19 bài tham luận chia sẻ các góc nhìn về “Ứng dụng mỹ thuật truyền thống trong giáo dục thiết kế sản phẩm”, “Vẻ đẹp Việt Nam trong tranh vẽ”, “Thiết kế đồ họa”, “Kiến trúc nhà gỗ ở Việt Nam”, “Vẻ đẹp con người Việt Nam qua mỹ thuật”, “Di sản văn hóa Bình Dương”, “Các thành phần tộc người Việt Nam”, “Giá trị nghệ thuật hội họa sơn mài tại Bình Dương”,… Trong đó, có 05 tham luận đã tham gia trình bày, trao đổi trực tiếp tại các phiên làm việc chuyên sâu. Qua công tác tổ chức và trình bày các tham luận, hội thảo đã mang lại những kinh nghiệm quý báu cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ của trường ĐH Thủ Dầu Một có cơ hội bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế. 


Từ điểm cầu trường ĐH Thủ Dầu Một, thay mặt lãnh đạo trường, ThS. Bùi Đức Anh - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế phát biểu chào mừng hội thảo


Qua công tác tổ chức và trình bày các tham luận, hội thảo đã mang lại những kinh nghiệm quý báu cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ của trường ĐH Thủ Dầu Một có cơ hội bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế

Nguồn : https://tdmu.edu.vn/