-
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- 12/13/2022 9:12:48 AM 1603
- Đó là chủ đề hội thảo do trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, trường ĐH Mỹ Thuật Tp.Hồ Chí Minh và trường ĐH Duy Tân phối hợp tổ chức. Chủ đề hội thảo còn đặc biệt hướng đến kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
-
Sáng ngày 23/11/2022, tại trường ĐH Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo thu hút sự quan tâm tham gia của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ: TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng hơn 100 cán bộ quản lý văn hóa, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đây cũng là diễn đàn khoa học của những người làm văn hoá nghệ thuật, những nhà sư phạm nghệ thuật trên cả nước đóng góp tâm huyết, trí tuệ để bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể Đông Nam Bộ nói riêng, di sản văn hoá dân tộc nói chung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khai thác chủ đề hội thảo, đã có 104 bài tham luận được BTC tuyển chọn và xuất bản kỷ yếu với gần 900 trang, có chỉ số ISBN.
Giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở miền Đông Nam Bộ
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, từ nhiều thập kỷ nay, Đông Nam Bộ luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo, đi đầu trong cả nước trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Đồng thời, Đông Nam Bộ cũng là địa bàn có tài nguyên văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và có bản sắc riêng. Quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong những thập kỷ qua đã và đang mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong tiến trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của vùng. “Chính vì vậy, chủ đề cuộc hội thảo chắc chắn sẽ mang lại giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về nhiều vấn đề quan trọng về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở miền Đông Nam Bộ nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay” – TS Ngô Hồng Điệp kỳ vọng.
Khẳng định ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa khoa học của chủ đề hội thảo, trong lời phát biểu đề dẫn, NGND.TS. Trương Phi Đức - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận các cụm chủ đề của cuộc hội thảo không chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên các nhà trường cũng như đội ngũ các nhà quản lý, mà còn để tìm về dấu ấn văn hóa phi vật thể của vùng đất miền Đông xưa, nền tảng của Đông Nam Bộ đương đại. Khẳng định những giá trị bất biến, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống trong dòng chảy giao lưu, hội nhập và phát triển. Những nội dung từ các cụm chủ đề nêu trên vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Kết quả nghiên cứu thu được từ cuộc hội thảo này chắc chắn sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho quá trình học tập, đào tạo của các nhà trường, cho tiến trình phát triển đời sống văn hóa ở miền Đông Nam Bộ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhận diện tài nguyên văn hóa phi vật thể trong đời sống cư dân, đề xuất giải pháp phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đông Nam Bộ là một trong hai phần của Nam Bộ Việt Nam, có tên gọi khác ngắn gọn được người dân Nam Bộ thường gọi là Miền Đông, theo phân chia hiện nay gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Về mặt địa - văn hóa, miền Đông Nam Bộ là một trong hai tiểu vùng của Vùng văn hóa Nam Bộ với đặc tính chung về khi hậu là khu vực nhiệt đới gió mùa, là một vùng đồng bằng phù sa, phần lớn là những vùng thềm phù sa cổ (vùng đất xám) và sơn nguyên đất đỏ. Về lịch sử tộc người, theo các nhà khảo cổ học, miền Đông xưa kia là địa bàn của cư dân thuộc Văn hóa Đồng Nai. Đó là một nền văn hóa cổ, đã có mặt ở Đông Nam Bộ từ 4.000 năm - 2.5000 trước và được được xác định như là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa. Đông Nam Bộ là địa bàn cư trú lâu đời của những tộc người Mạ, Stiêng, M’nông, Cơ ho,… và cũng là nơi tiếp nhận những tộc người mới đến từ thế kỷ XVIII: Hoa, Chăm, Tày, Nùng,... Văn hóa của các tộc người này tạo nên bức tranh văn hóa Đông Nam Bộ đa màu sắc và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung của vùng. Do những đặc điểm về tự nhiên và xã hội, về lịch sử hình thành và phát triển, tiểu vùng văn hóa Đông Nam bộ có những di sản văn hóa, kể cả di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, vô cùng phong phú, đa dạng.
Để góp phần nhận diện một cách đầy đủ khách quan tài nguyên văn hóa phi vật thể trong đời sống cư dân Đông Nam Bộ, các phiên làm việc của hội thảo đã diễn ra sôi nổi với 03 chủ đề. Cụ thể: (1) Đặc điểm cư dân và tài nguyên di sản văn hoá phi vật thể ở vùng Đông Nam Bộ. Đây là cụm chủ đề nghiên cứu đặc điểm cư dân, tài nguyên văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ từ khởi thủy đến tiếp cận với thời kỳ đương đại, từ đó tìm ra những nét truyền thống, những dấu ấn riêng có ý nghĩa tạo đặt tiền đề cho quá trình phát triển hiện nay ở từng địa phương và trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các đại biểu đã tập trung làm rõ quá trình hình thành, phát triển cư dân và tính cách, lối sống các tiểu vùng văn hóa Đông Nam Bộ, văn hóa dân gian truyền thống và đương đại; tín ngưỡng và lễ hội dân gian; công nghệ dân gian; nghệ thuật dân gian; võ thuật cổ truyền,… (2) Thực trạng di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Cụm chủ đề này các tác giả đi sâu nghiên cứu, đánh giá thực trạng di sản văn hóa phi vật thể ở Đông Nam Bộ; xem xét những nhân tố đang mỗi ngày tác động đến thực trạng ấy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay và tương lai. (3) Định hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ. Các chuyên gia đề cập nhiều nội dung như: bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Hầu của người Hoa gốc Phước Kiến ở tỉnh Bình Dương; đa dạng văn hoá trong thực hành tín ngưỡng lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh hiện nay; các hoạt động thực tiễn nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Bảo tàng Áo dài tại thành phố Hồ Chí Minh; bảo vệ phát huy những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hoá phi vật thể tại khu vực Đông Nam Bộ; ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong triển lãm và lưu trữ di sản văn hoá,… Bên cạnh đó, nhiều báo cáo khoa học đã phân tích đánh gia tài nguyên, thực trạng văn hóa phi vật thể ở miền Đông Nam Bộ, những tác động khách quan và chủ quan đến tài nguyên ấy, và đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Tổng luận các nội dung hội thảo, PGS.TS. NGƯT. Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định, các tham luận báo, các ý kiến trao đổi cũng như toàn bộ tham luận trình bày trong kỷ yếu đã bao quát khá đầy đủ di sản văn hoá phi vật thể đông Nam Bộ từ các góc độ tiếp cận khác nhau như: vận dụng lý thuyết nghiên cứu để đề xuất giải pháp, nghiên cứu thực trạng để đề xuất giải pháp; nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống Đông Nam Bộ; kết nối di sản với du lịch, phối hợp nghệ thuật truyền thống trên các thiết kế hiện đại; phân tích dấu ấn văn hoá vùng miền trong di sản văn hoá phi vật thể Đông Nam Bộ,… “Các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm căn cứ trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển văn hoá Đông Nam Bộ nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghiệp 4.0” - PGS.TS. NGƯT. Đào Đăng Phượng đúc kết.
Hội thảo do trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, trường ĐH Mỹ Thuật Tp.Hồ Chí Minh và trường ĐH Duy Tân phối hợp tổ chức
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một phát biểu khai mạc hội thảo
NGND.TS. Trương Phi Đức - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao giá trị thực tiễn, giá trị khoa học của chủ đề hội thảo
Các phiên làm việc của hội thảo diễn ra sôi nổi nhằm nhận diện tài nguyên văn hóa phi vật thể trong đời sống cư dân, đề xuất giải pháp phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Các đại biểu trao đổi, đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Chủ đề hội thảo còn đặc biệt hướng đến kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11)BBT
(Nguồn: tdmu.edu.vn)