Nguồn lực đầu tư cho các trường thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ

5/18/2023 5:14:58 PM 1583
Ngày 11/5/2023, tại trường ĐH Thủ Dầu Một diễn ra hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ”.

Hội thảo do CLB Khối các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên nghệ thuật tại Việt Nam phối hợp với trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức, với sự tham gia của các trường: ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, ĐH Đồng Tháp, ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế, ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại Thành phố HCM, CĐ Nghệ thuật Hà Nội, CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, CĐ Nguyễn Du (Hà Tĩnh), CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hội thảo quy tụ 69 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, CB-GV, và được xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW, Chủ nhiệm CLB cho biết, chủ đề hội thảo là diễn đàn học thuật thường niên được CLB Khối các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên nghệ thuật tổ chức, là diễn đàn quan trọng cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trau dồi chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm nay, chủ đề hội thảo đặc biệt chú trọng phản ánh những khó khăn, thách thức của các cơ sở đào tạo trong công tác quản trị, các mặt hoạt động khoa học giáo dục trước xu thế tự chủ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Qua đó, hội thảo sẽ góp phần giúp các trường có đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tháo gỡ những khó khăn, trao đổi những kinh nghiệm để phát triển bền vững. 
Đồng quan điểm về thực trạng khó khăn của các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một chia sẻ, tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, cũng là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc đại học. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai, thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều khó khăn. “Từ thực tiễn khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, hội thảo kỳ vọng sẽ bàn thảo, đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, mô hình mới - cách làm hay giúp các trường đổi mới, thuận lợi trong việc chuyển đổi mô hình tự chủ và nâng cao hiệu quả hoạt động” – TS. Ngô Hồng Điệp tin tưởng.
Triển khai nội dung hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 06 báo cáo do các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ sở giáo dục có đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nội dung tham luận chia sẻ các nghiên cứu về thực trạng công tác đào tạo, quản trị đại học, phát triển giáo dục đại học, cao đẳng, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngoài công lập trong bối cảnh tự chủ. Cụ thể, nhận diện biểu tượng logo thương hiệu đào tạo các trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đào tạo cử nhân truyền thông đa phương tiện tại ĐH Thủ Dầu Một: thách thức và cơ hội; đào tạo ngành sư phạm âm nhạc trong bối cảnh tự chủ; các nguồn lực ngoại sinh có thể được sử dụng để đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam trong quá trình thực hiện mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ hiện nay; tự chủ trong giáo dục đại học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam - từ góc nhìn lý luận; triển khai mô hình PPP trong giáo dục đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề về nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ; bàn luận các nội dung về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ; vấn đề đầu tư các nguồn lực về con người, ý tưởng, công nghệ, tài chính cho giáo dục, đặc biệt là quyền tự chủ đại học và Nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngoài công lập; tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật;… Qua các ý kiến trao đổi, hội thảo đã đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong xu thế tự chủ đại học; các mô hình đào tạo mới hướng đến việc cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của quá trình hiện đại hóa đất nước.
Tiếp nối chuỗi hoạt động học thuật về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành văn hóa nghệ thuật tại các sở giáo dục Việt Nam, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng được chọn là đơn vị đăng cai địa điểm tổ chức hội thảo tiếp theo vào quý 2 năm 2024.


Hội thảo do CLB Khối các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên nghệ thuật tại Việt Nam phối hợp với trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức

PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW, Chủ nhiệm CLB phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một phát biểu nêu bật ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa khoa học của chủ đề hội thảo

Năm nay, chủ đề hội thảo đặc biệt chú trọng phản ánh những khó khăn, thách thức của các cơ sở đào tạo trong công tác quản trị, các mặt hoạt động khoa học giáo dục trước xu thế tự chủ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Các đại biểu đã lắng nghe báo cáo tham luận do các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ sở giáo dục có đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trình bày

Các nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề về nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ

Qua các ý kiến trao đổi, hội thảo đã đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong xu thế tự chủ đại học

ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng được chọn là đơn vị đăng cai địa điểm tổ chức hội thảo tiếp theo vào quý 2 năm 2024

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hội thảo quy tụ 69 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, CB-GV, và được xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN

BBT

(Nguồn: tdmu.edu.vn)