-
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ
- 6/21/2024 3:18:04 PM 969
- Một diễn đàn khoa học kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trí tuệ AI cùng trao đổi, thảo luận và tìm kiếm các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.
-
Ngày 20/6/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ”. Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại điểm cầu trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Trương Thanh Phong – Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam, ông Tống Phước Thiện – Giám đốc vận hành Estec Digital, cùng đại diện các doanh nghiệp công nghệ số tại khu vực phía Nam, giảng viên và sinh viên khối ngành kỹ thuật công nghệ. Tại điểm cầu Australia có ông Trần Nhàn – Đồng sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NanoChap Electronics.
Trong phát biểu đề dẫn, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ số, trường Đại học Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm đến công tác dự báo xu thế phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nhất là những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực số đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó, nhà trường chủ động trong việc thiết kế, cải tiến, cập nhật nội dung chương trình đào tạo bám sát thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Đặc biệt, trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở giáo dục đại học tiên phong của tỉnh Bình Dương tổ chức đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn cho địa phương. Từ việc chia sẻ thông tin về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số của trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới, TS. Đoàn Ngọc Xuân mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế các giải pháp giúp nhà trường nâng năng lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển dự án nghiên cứu sản phẩm công nghệ số, kết nối và hỗ trợ nhà trường tham gia vào mạng lưới hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và làm chủ công nghệ số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số, công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn của doanh nghiệp người Việt tại Mỹ, ông Trương Thanh Phong - Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam đã chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Ông cho biết, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội lớn để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, việc đầu tư vào ngành công nghiệp này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế số của các địa phương. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Thung lũng Silicon (Mỹ), ông Trương Thanh Phong cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp này thì chính quyền địa phương phải quan tâm đầu tư vào các yếu tố chính như: đội ngũ nhân lực chất lượng chuyên môn cao, kết cấu hạ tầng giao thông, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển và bán sản phẩm ra thị trường thế giới, tạo môi trường thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài,… Từ góc độ vùng Đông Nam Bộ thì cần phải tạo “vùng tam giác” (TP.Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai) tham gia vào chuỗi hoạt động thiết kế - sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm thực hiện khâu thiết kế, các địa phương còn lại hỗ trợ chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm và sản xuất.
Từ điểm cầu Australia, ông Trần Nhàn – Đồng sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NanoChap Electronics khẳng định, ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu nguồn nhân lực tham gia vào thị trường ngành này là rất lớn, chính vì vậy, các trường đại học có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Ông đề xuất mô hình hợp tác giữa Nhà nước - Viện/trường - Doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ kỹ sư tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế, thiết kế thành công các vi mạch phức tạp.
Tham gia trao đổi tại tọa đàm, ông Tống Phước Thiện – Giám đốc vận hành Estec Digital đã chia sẻ thách thức và nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghệ 4.0 tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Để bắt kịp xu hướng phát triển, ông Tống Phước Thiện khuyến nghị các trường đại học cần có chiến lược phù hợp cho việc phát triển khoa học công nghệ, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất hợp lý. Trong đó, các trường cần hướng đến thực hiện đào tạo, liên kết với đối tác công nghệ là những đơn vị có công nghệ 4.0 hàng đầu trong nước, quốc tế.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung bàn thảo, cung cấp các giải pháp thu hút doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sản xuất chip tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ; các giải pháp huy động sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ trong đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm 4.0 cho trường đại học; cách thức kết nối chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ tại các trường đại học;…
Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS Đoàn Ngọc Xuân gửi lời cảm ơn trân trọng đến các chuyên gia khách mời, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế các giải pháp, khuyến nghị trong công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ số cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt cho trường Đại học Thủ Dầu Một. Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được nhà trường tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động kỹ sư công nghệ số. TS. Đoàn Ngọc Xuân hy vọng, trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của các chuyên gia, doanh nghiệp phát triển các dự án về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ” là diễn đàn khoa học kết nối nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu đề dẫn tọa đàm
Ông Trương Thanh Phong - Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam đã chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh
Các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung bàn thảo, cung cấp các giải pháp thu hút doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sản xuất chip tỉnh Bình Dương và vùng ĐNB
Qua những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được nhà trường sẽ tiếp thu, tham khảo trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động kỹ sư công nghệ sốBBT
(Nguồn: tdmu.edu.vn)