AI – Cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học

11/25/2024 9:39:35 PM 162
Là diễn đàn khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức nhằm trao đổi, gợi mở định hướng nghiên cứu về AI cùng những cơ hội và thách thức trong đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt là chia sẻ các giải pháp nhằm khai thác những cơ hội mà AI mang lại đáp ứng sự phát triển của giáo dục đại học, nhất là trong giáo dục đào tạo ngành luật của các trường đại học hiện nay.

Sáng ngày 16/11/2024, trong chuỗi các sự kiện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo TDMU 2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “AI - Cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học”. Hội thảo đã quy tụ gần 30 báo cáo tham luận của các học giả, nhà khoa học, cán bộ giảng viên đến từ các trường đại học, học viện trong cả nước, như: Đại học Cần Thơ, trường Đại học Luật Thành phố Hồ chí Minh, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Thủ Dầu Một.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trước sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của trí tuệ AI đã mang đến những lợi ích cho kinh tế, xã hội và đời sống. Đối với lĩnh vực đào tạo giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo ngành luật nói riêng, AI cũng đã mang lại lợi ích cho việc tối ưu hóa công tác đào tạo, cung cấp phương pháp học trực tuyến hiệu quả, thiết thực, tối ưu chi phí học tập, giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, làm sao để ứng dụng AI hiệu quả, góp phần chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội cũng là một thách thức. “Chủ đề hội thảo được tổ chức hôm nay với kỳ vọng tạo diễn đàn khoa học trao đổi thông tin tư liệu, thảo luận, gợi mở định hướng nghiên cứu về AI trong nghiên cứu và đào tạo ngành luật ở trường đại học, nhất là đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động hoá các hoạt động giáo dục, cá nhân hóa quá trình học tập, các mô hình tích hợp AI nhằm cung cấp cho sinh viên phương pháp học trực tuyến hiệu quả, thiết thực nhất”- TS. Nguyễn Quốc Cường kỳ vọng.

Tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên các trường Đại học đã cùng nhau trao đổi về những cơ hội mà AI mang lại đáp ứng sự phát triển của giáo dục đại học, đặc biệt là công tác đào tạo ngành luật hiện nay, như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý đại học số; kinh nghiệm, giải pháp và hướng phát triển quản trị đại học số; Al và ứng dụng - cơ hội hợp tác và phát triển ở trường Đại học Thủ Dầu Một; tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chứng cứ điện tử và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động đào tạo ngành Luật trong các trường Đại học ở Việt Nam hiện nay; các công cụ Al như ChatGPT, BingAl, Bard, DApps, Smart Contract tác động như thế nào đến nghề luật?; sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự ở Viện kiểm sát hiện nay và công tác đào tạo sinh viên ngành Luật cho ngành Kiểm sát - Bài học kinh nghiệm cho công tác đào tạo ngành/nghề tại các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. Đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành luật đặt trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng, đại biểu, nhà khoa học đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp, như: cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số; các giải pháp thiết thực - tăng cường đầu tư cơ sở vật chất công nghệ, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng công nghệ cho giảng viên và xây dựng các nền tảng học trực tuyến chuyên biệt dành cho sinh viên luật,…

Phát biểu tổng luận hội thảo, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một nhận định, đối với lĩnh vực pháp luật và đào tạo ngành luật, AI đã cung cấp con đường giúp tối ưu hóa hiệu suất trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Bên cạnh những ưu việt không thể không sử dụng, AI cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với hoạt động luật pháp và đào tạo ngành luật, như: trách nhiệm pháp lý, tiềm ẩn những gian lận, vi phạm về đạo đức; chứng cứ và độ tin cậy, xác thực đối với các thông tin, chứng cứ có sử dụng AI… Đặc biệt là trong đào tạo ngành luật, việc chuyển đổi số và tận dụng thành tựu của AI trong xây dựng chương trình, đổi mới nghiên cứu, giảng dạy, học tập như thế nào là một bài toán không dễ dàng. Theo đó, các trường đại học cần xác định tầm nhìn và có bước chuẩn bị để bắt nhịp trong hoạt động đào tạo ngành luật đáp ứng điều kiện chuyển đổi số và các công nghệ giáo dục hiện đại. Thay mặt lãnh đạo trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu, nhà khoa học tham dự, đóng góp các kết quả nghiên cứu, cùng với trường Đại học Thủ Dầu Một tạo nên thành công của hội thảo.


TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo đã quy tụ gần 30 báo cáo tham luận của các học giả, nhà khoa học, cán bộ giảng viên đến từ các trường đại học, học viện trong cả nước

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp, như: cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh công nghệ số hiện nay

Chủ đề hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo TDMU 2024

BBT

(Nguồn: tdmu.edu.vn)