Thông báo

Tọa đàm Ask me anything: Cybersecurity

12/28/2021 10:42:34 AM   1555
Tiếp nối chuỗi hoạt động kết nối doanh nghiệp với sinh viên, sáng ngày 13/11/2021, Viện Kỹ thuật Công nghệ - Trường Đại học thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm “Ask me anything: Cybersecurity” với sự tham gia của hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật thông tin tại Việt Nam.
Khi internet ngày càng phát triển, các công ty lớn rất cần đội ngũ chuyên gia bảo mật thông tin để đảm bảo an toàn mạng lưới kết nối bộ và đối tác. Vì vậy, công việc an ninh thông tin đang và sẽ liên tục phát triển. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội nghề nghiệp rất tốt cho các bạn sinh viên khối ngành công nghệ. Để làm sáng rõ những hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo mật thông tin, chương trình đã mời đến hai chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam là ông Phillip Hùng Cao, Cybersecurity & Zero Trust Stategist đồng sáng lập CSA Việt nam và Chapter Việt, và ông Nguyễn Phương Trường Anh - chuyên gia bảo mật đến từ công ty Zalo Pay với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành bảo mật thông tin.

Đúng như tên gọi “Ask Me Anything: Cybersecurity”, buổi tọa đàm diễn ra sôi động, hào hứng với sự tham gia tương tác của hơn 700 sinh viên và giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một. Trong phần đầu chương trình, các bạn sinh viên được giới thiệu và giải thích những khái niệm cơ bản về an toàn bảo mật thông tin như defensitive security, offensive security, hacker mũ đen, hacker mũ trắng… cùng một số kĩ năng an toàn trong không gian mạng. Các chuyên gia cũng nêu rõ về tình trạng hiện nay các tin tặc biến hoá khôn lường nhưng ý thức tự bảo vệ của người dùng chưa cao. Việc mất cắp thông tin cá  nhân nhiều trường hợp là do chủ quan, thiếu cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội, thanh toán giao dịch hoặc các tương tác online khác. Ông Phương Anh chia sẻ rằng “khi bạn tạo mật khẩu liên quan tới thông tin bản thân thì rất nguy hiểm vì hacker có những kỹ thuật để đoán ra mật khẩu của bạn dựa trên thông tin cá nhân mà họ có được”. Vì vậy, chuyên gia khuyên chúng ta nên sử dụng một phần mềm tự sinh mật khẩu dài, khó nhớ, đồng thời sử dụng các phần mềm để quản lý mật khẩu của mình và thay đổi định kì hàng tháng thì sẽ an toàn hơn.

Điều thú vị trong buổi tọa đàm là có rất nhiều bạn nữ đặt câu hỏi cho chuyên gia. Ông Philip Hùng cao bày tỏ sự ngạc nhiên, vui mừng khi có nhiều sinh viên nữ quan tâm tới nghề bảo mật. Theo ông, nữ giới ở Việt Nam tham gia ngành này rất ít nhưng thực ra cơ hội của họ rất cao. Khảo sát ở nước ngoài có tới 25% nữ trên tổng số người tham gia làm bảo mật nhưng ở Việt Nam thì con số nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì đặc điểm về giới nên trên thế giới có một số mảng trong ngành bảo mật như chính sách an toàn, các bộ phận đào tạo nâng cao nhận thức an toàn, cảnh báo an toàn và đặc biệt vị trí giám đốc an toàn an ninh thông tin có rất nhiều chuyên gia nữ làm rất tốt. Vậy nên, chuyên gia khuyên các bạn nữ sinh viên nếu thực sự có hứng thú thì hãy mạnh dạn đầu tư cho nghề.

Khi được hỏi về những trải nghiệm lúc mới vào nghề, các chuyên gia cũng đã có những giây phút xúc động, trải lòng. Ông Trường Anh chia sẻ: “nghề bảo mật là một công việc áp lực, bạn phải tìm ra vùng bị tấn công mà ko biết lỗi đó ở đâu và thậm chí là lỗi đó có tồn tại hay không. Người làm nghề bảo mật rất khó để tìm được người hướng dẫn mà những kiến thức học lý thuyết chỉ có thể dùng được cùng lắm 1-2 năm. Công nghệ thay đổi, người tấn công thay đổi cách thức tấn công, chính vì vậy để làm được chúng ta cần có đam mê nhiệt huyết và khả năng tự nghiên cứu thật tốt. Những cuộc họp bất thường vào lúc 2, 3 giờ sáng diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, để theo đuổi được nghề bạn cần giữ cho mình một cách nhìn tích cực để nuôi dưỡng đam mê. Không chỉ riêng nghề bảo mật mà làm bất kì nghề nào cũng vậy, phải khổ luyện mới thành tài, và một điều chắc chắn là  cuộc sống không có gì dễ dàng nếu dễ thì phải nghĩ lại vì sao nó dễ vậy”.

Trả lời cho câu hỏi: “Có khi nào vài năm nữa nhân sự ngành Công nghệ thông tin sẽ bão hòa hay không?”, các chuyên gia cho rằng, công nghệ thông tin liên tục phát triển và ứng dụng rất rất nhiều chính vì vậy nhân lực về ngành này trong 5-10 năm tới chưa thể bão hòa. Việt Nam có thể nhập cuộc chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ phát triển. Nhu cầu nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin nói chung và bảo mật nói riêng ngày càng cao. Tuy nhiên để có thể làm việc được trong môi trường đầy áp lực này thì lời khuyên của các chuyên gia dành cho các bạn sinh viên là: cần trang bị cho mình kiến thức lập trình vững, tiếng Anh đọc hiểu chuyên ngành và khả năng xử lý vấn đề tốt.

Hai khách mời là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật thông tin

Chuyên gia Philip Hung Cao là khách mời quen thuộc trong các tọa đàm về công nghệ thông tin của trường ĐH Thủ Dầu Một, ông dành nhiều tâm huyết chia sẻ thông tin hữu ích cho sinh viên
Sự tích cực tương tác của các bạn sinh viên Viện Kỹ thuật Công Nghệ đã gây ấn tượng mạnh với các diễn giả và đồng thời lan tỏa tinh thần học hỏi tới tất cả những người tham gia
Cẩm Tú